Stars Capital – Mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam đã có những phân tích, nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán tháng cuối năm 2023.
Nhận định thị trường chứng khoán hôm nay (5/12/2023), khuyến nghị cổ phiếu FPT
Nhận định thị trường chứng khoán tuần tới (4-8/12/2023): Tiếp tục tích lũy và tăng giảm đan xen
Giải pháp tài chính cơ cấu doanh nghiệp và cơ cấu tái sản của Stars Capital
Bối cảnh vĩ mô tháng 11
Số liệu vĩ mô tháng cho thấy nền kinh tế vẫn trên đà phục hồi nhưng đã chậm lại phản ánh đúng bối cảnh vĩ mô hiện tại. Cụ thể, xuất nhập khẩu đều cho thấy xu hướng tăng trưởng so với cùng kỳ, trái với diễn biến sụt giảm mạnh trong khoảng hơn 2 quý đầu năm, kéo theo chỉ số IIP tiếp tục xu hướng phục hồi là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, phản ánh nhu cầu gia tăng vào giai đoạn cao điểm cuối năm.
Dù vậy, chỉ số PMI – chỉ số phản ánh kỳ vọng của nhà quản trị mua hàng vào môi trường kinh doanh trong tương lai lại sụt giảm mạnh cho thấy lo ngại đơn hàng sẽ giảm mạnh khi mùa tiêu dùng cao điểm kết thúc. Điểm sáng nhất vẫn là đầu tư công và vốn FDI liên tục tăng tốc trong những tháng vừa qua, kỳ vọng là động lực chính giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Như vậy trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng và sức hấp thụ vốn kém, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 sẽ chỉ đạt mức 5% YoY.
CPI tháng 11 chỉ tăng nhẹ, CPI cả năm 2023 sẽ được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu
CPI tháng 11 tăng nhẹ so với tháng trước ở mức 0.25% MoM, chủ yếu do tăng giá dịch vụ y tế theo TTT22/2023/TT-BYT, tăng học phí theo NĐ81/2021/NĐ-CP và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu. Hiện tại chúng tôi chưa nhận thấy có yếu tố gây áp lực lên lạm phát trong giai đoạn cuối năm. Như vậy, CPI bình quân năm 2023 khả năng cao sẽ ở mức 3.3%YoY – kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu 4.5% mà Chính phủ đề ra.
NHNN ngừng phát hành tín phiếu, lãi suất liên ngân hàng giảm trở lại
Tỷ giá hạ nhiệt trong tháng 11, NHNN theo đó cũng ngừng phát hành tín phiếu trong khi các khoản tín phiếu cũ đáo hạn dần mang khoản tiền đã hút trở lại hệ thống. Tính đến hết tháng 11, NHNN chỉ còn hút ròng 25 nghìn tỷ VND so với mức đỉnh 255 nghìn tỷ và nếu không có gì bất thường thì 06/12 toàn bộ số tiền sẽ quay trở lại các ngân hàng. Thanh khoản hệ thống theo đó tiếp tục dồi dào và ổn định khi lãi suất liên ngân hàng tất cả các kỳ hạn đều giảm, đặc biệt kỳ hạn qua đêm chỉ còn 0.14%.
Tăng trưởng tín dụng tăng nhẹ trong tháng 11
Tính đến 23/11 tín dụng tăng 8.38% so với đầu năm, tăng 1% MoM và cách xa mục tiêu 14.5% của Chính Phủ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ nhu cầu về tín dụng còn yếu và phục hồi một cách chậm chạp bên cạnh rủi ro nợ xấu gia tăng.
Từ phía nguồn cung, các ngân hàng đang nỗ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế khi tích cực triển khai nhiều giải pháp và tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Trước tình hình đó, ngày 30/11 NHNN đã ra thông cáo báo chí về việc điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng.
Với bối cảnh sự suy yếu xuất phát từ phía cầu, KBSV vẫn duy trì dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ đạt 10% – 11% trong năm 2023.
Lãi suất tiếp tục giảm trong tháng 11
Cụ thể theo số liệu từ Wichart, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng giảm 20 bps so với tháng trước, lần lượt 5.05%, 5.05% và 5.33% tương ứng với SoBs, NHTMCP lớn và NHTMCP khác. VCB mới đây giảm lãi suất tất cả các kỳ hạn xuống 20bps, đưa mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống 4.8%, thấp nhất trong nhóm SoBs và thấp nhất lịch sử của VCB. Bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã giảm 3% so với đầu năm. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay các khoản vay mới đã giảm khoảng 2% – 2.2% so với cuối năm 2022, vượt mục tiêu đề ra của NHNN. KBSV dự báo lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì đi ngang trong giai đoạn còn lại của năm.
Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giảm tuy nhiên tỷ giá tự do vẫn ở mức cao
Dữ liệu về nền kinh tế Mỹ trong tháng 11 tiếp tục cho thấy một nền kinh tế khỏe mạnh và lạm phát tiếp tục đi đúng theo lộ trình của FED. Đồng thời, FED tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức 5.5% trong cuộc họp tháng 11 và thị trường đang đặt cược vào việc FED đã đạt đỉnh lãi suất và đợt giảm đầu tiên sẽ bắt đầu vào 05/2024. DXY đã giảm 3.2% trong tháng 11, theo đó tỷ giá liên ngân hàng cũng hạ nhiệt, giảm 1.3% MoM đạt 24,261 VND. Tuy vậy, tỷ giá thị trường tự do hầu như không giảm trong tháng 11 với nguyên do chủ yếu đến từ nhịp tăng mạnh của giá vàng giao ngay thế giới quay về mức đỉnh mọi thời đại, đạt 2036 USD/ounce.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tỷ giá có thể sẽ tăng nhẹ trong tháng cuối năm do các yếu tố: Hoạt động nhập khẩu tăng cao giai đoạn cận lễ Tết; DXY có thể có một nhịp hồi phục trong thời gian gần khi các quỹ phòng hộ đang có vị thế mua rất lớn kể từ 03/2022; chênh lệch lãi suất USD – VND vẫn duy trì âm khá lớn kích thích các hoạt động giao dịch carry trade.
Ở chiều ngược lại, nguồn tiền từ hoạt động xuất siêu ròng, kiều hối và FDI tiếp tục hỗ trợ tỷ giá. Theo đó, KBSV giữ nguyên dự báo về tỷ giá, tăng 3.5% trong năm nay, đạt 24,460 USD/VND.
Góc nhìn về thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 11
Sau khi trải qua chuỗi 2 tháng giảm điểm sâu nhất kể từ cuối năm 2022, VNIndex đã có một nhịp hồi phục pullback khoảng 10% lên cao nhất 1132 điểm, kể từ mức đáy gần nhất 1020 điểm được thiết lập vào cuối tháng 10, sau đó là các nhịp tăng giảm đan xen với cường độ khác nhau và đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11 tại 1094.13 điểm. Khối lượng giao dịch tăng 19.6% so với tháng 10, đạt khoảng 16.5 tỷ cổ phiếu được trao tay.
Nhìn về bức tranh tổng quát, thị trường đã có những nhịp hồi phục tương đối tốt với biên độ rộng. Tuy vậy, sự tiêu cực trong tâm lý giao dịch của nhà đầu tư đang có phần lấn át khi các phiên điều chỉnh đều cho thấy phe bán thể hiện sự quyết liệt hơn với thanh khoản tăng đột biến và các vùng cản đều cho phản ứng bán mạnh mẽ. Trong tháng 11, tâm điểm là nhóm cổ phiếu midcap và smallcap với hiệu suất sinh lời vượt trội so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thể hiện phần nào xu thế của dòng tiền ngắn hạn, tìm kiếm lợi nhuận T+.
Khối ngoại trong tháng 11 đã thực hiện rút ròng trên toàn bộ HOSE, HNX và UPCOM là 3,527 tỷ đồng, xác lập chuỗi bán ròng 8 tháng liên tiếp kể từ tháng 4/2023. Đáng chú ý, áp lực bán tăng 47% so với tháng trước về giá trị, lũy kế 11 tháng đầu năm giá trị bán ròng của khối ngoại đã đạt 15,286 tỷ đồng.
Triển vọng thị trường chứng khoán tháng cuối năm 2023
Đánh giá triển vọng thị trường tháng 12 dưới góc nhìn cơ bản
Xét thuần túy về mặt định giá, mức P/E của VNIndex khoảng 15.5 lần như hiện tại chỉ thấp hơn không nhiều so với mức bình quân 2 năm trở lại và không phải quá hấp dẫn (theo số liệu từ Bloomberg – mức P/E này đã loại bỏ các lợi nhuận bất thường của doanh nghiệp nên có sự khác biệt so với tính toán của các tổ chức khác). Dù vậy, trên cơ sở mặt bằng lãi suất huy động đã xuống thấp kỷ lục, kỳ vọng nền kinh tế cũng như lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ cho thấy xu hướng hồi phục rõ nét trong quý 4 năm nay cũng như cả năm 2024, KBSV cho rằng định giá thị trường đã nằm ở vùng hấp dẫn để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu trung hạn.
KBSV cho rằng định giá thị trường đã nằm ở vùng hấp dẫn để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu trung hạn
Đối với biến động thị trường trong tháng 12, KBSV thiên về kịch bản giằng co với xu hướng hồi phục là chủ đạo khi nhiều yếu tố thông tin trái chiều vẫn có thể tác động lên tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt liên quan đến rủi ro đồng USD hồi phục, việc điều tra mở rộng vụ án Vạn Thịnh Phát (nếu có), rủi ro từ thị trường bất động sản Trung Quốc, hay xung đột dải Gaza lan rộng….
Dưới góc nhìn kỹ thuật, chỉ số VNIndex có thể diễn biến sideway tích lũy trong hầu hết tháng 12 trước khi xuất hiện các nhịp breakout
Xét trên khung thời gian tuần, việc chỉ số đang hình thành các mẫu nến spinning thân nhỏ với biên độ co hẹp dần cho thấy tương quan cung cầu đang tạm thời cân bằng tại vùng giá hiện tại. Sau một nhịp hồi phục từ đáy thì điều này hàm ý cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục ngắn hạn vẫn đang được để ngỏ cho VNINDEX với đích đến kỳ vọng kế tiếp tại vùng kháng cự quanh 1150 (+-10), tương ứng các ngưỡng Fibonacci thoái lui 50 và 61%.
Tuy nhiên, khi kết hợp quan sát chi tiết hơn nhóm cổ phiếu dẫn dắt đang có yếu tố thông tin cơ bản hỗ trợ, do đa số các mã đều chưa trải qua nhịp điều chỉnh đủ sâu để có thể tạo các nền giá bền vững nên khả năng bứt tốc và tăng mạnh trong ngắn hạn được đánh giá là khó xảy ra.
Với những cơ sở đó, rủi ro đảo chiều giảm điểm trở lại của chỉ số khi tiếp cận vùng kháng cự đã đề cập cần được tính đến và KBSV nghiêng về kịch bản (70%) VNINDEX sẽ vận động trong vùng biên từ 1060 đến 1150 trong tháng cuối năm 2023. Với kịch bản còn lại (30%), chỉ số có thể điều chỉnh về sâu vùng đáy ngắn hạn cũ 1005 (+-20) trước khi có thể tạo đáy và xuất hiện các nhịp hồi gối đầu mới.