Stars Capital – Tóm tắt thị trường chứng khoán tuần vừa qua; thông tin chứng khoán tuần tới; xu hướng thị trường chứng khoán tuần tới; nhận định thị trường chứng khoán tuần tới.
Nhận định thị trường chứng khoán tuần tới (2-6/10/2023): Cần điều chỉnh và tích lũy
Nhận định thị trường chứng khoán hôm nay (9/10/2023): Chú ý nhóm cổ phiếu chứng khoán và bán lẻ
Đầu tư chứng khoán cùng Stars Capital với gói T+60
Thị trường chứng khoán tuần vừa qua
Sau 3 tuần liên tiếp giảm điểm mạnh trong cuối tháng 9, VN-Index bắt đầu tuần đầu tiên của quí IV/2023 với nhiều biến động. Phiên giao dịch đầu quý có thanh khoản thấp nhất kể từ tháng 5/2023. Áp lực bán gia tăng mạnh trong 2 phiên sau đó khiến cho VN-Index thậm chí chạm vùng hỗ trợ mạnh tại 1.105 điểm, tương ứng vùng giá MA200 phiên.
Phiên giao dịch cuối tuần VN-Index tăng điểm, nhưng kết thúc tuần vẫn giảm hơn 2% so với tuần trước, qua đó có 4 tuần liên tiếp giảm điểm từ vùng giá quanh 1.250 điểm về mức 1.128 điểm. HNX-Index cũng giảm 04 tuần liên tiếp với mức giảm 2,5% về mức 230,45 điểm.
Thanh khoản cả tuần trên HOSE đạt 73.303 tỉ đồng, giảm khá mạnh 21 % so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm gần 20%, giảm khá nhanh so với các tuần trước, dưới mức trung bình. Thanh khoản HNX giảm 17% với 8,7 nghìn tỉ đồng.
Diễn biến trên thể hiện áp lực bán giảm dần trong tuần qua và thị trường phục hồi tốt ở vùng giá trung bình MA200 phiên ở mức quanh 1.105 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài gia bán ròng tuần thứ 05 liên tiếp, giá trị bán ròng giảm với 389 tỉ đồng; bán ròng trên HNX với giá trị 79 tỷ đồng.
Trong tuần thị trường chứng khoán đón nhận nhiều thông tin như PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 9/2023 đạt 49,7 điểm so với 50,5 điểm trong tháng 8; Thị trường châu Âu bắt đầu đánh thuế carbon từ 1/10/2023 đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro; Thủ tướng ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam trị giá 58,7 tỉ USD và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Nhóm bất động sản tiếp tục có diễn biến kém tích cực trong tuần qua khi đa số vẫn chịu áp lực giảm điểm mạnh, thanh khoản ở mức trung bình như QCG (-14,29%), CEO (-13,15%), DXG (-11,64%), DIG (-11,16%), NVL (-10,90%)… Tuy nhiên mức độ phân hóa cũng cải thiện khi có nhiều mã đã phục hồi tốt, thu hút dòng tiền ngắn hạn như TCH (+2,16%), HHS (+1,75%), VHM (+1,21%), HDC (+0,65%)…
Các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán đa số cũng có diễn biến tiêu cực, chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản trên mức trung bình với CTS (-9,34%), WSS (-5,80%), VCI (-5,45%), BSI (-4,88%)… Ngoài một số mã tăng giá khi có thông tin chia cổ tức, dự báo tích cực về kết quả kinh doanh quí 3 như BVS (+3,91%), SSI (+3,62%), PSI (+2,08%)…
Các cổ phiếu khu công nghiệp, cao su cũng có diễn biến khá tích cực so với thị trường chung khi đa số tăng điểm, thanh khoản cải thiện như DTD (+13,36%), VGC (+9,91%), TIP (+7,53%), GVR (+3,59%)… Trong khi đó nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, nhiều mã giảm mạnh ảnh hưởng tiêu cực lên điểm số thị trường như NVB (-9,92%), TPB (-5,88%), EIB (-5,01%), BID (-4,85%), TCB (-4,99%)… ngoài STB (+0,98%), BVB (+0,96%)..phục hồi.
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2310 kết thúc tuần ở mức 1.138,4 điểm, mức chênh lệch âm -1,38 điểm so với VN30, khối lượng giao dịch trong tuần trên mức trung bình khi các vị thế đầu cơ trong phiên tăng. Các kỳ hạn lớn hơn VN30F2311, VN30F2312, VN30F2403 chênh lệch từ -1,38, điểm đến -15,78 điểm. Các mức chênh giữa các kỳ hạn biến động khá bất thường, đảo ngược trong các phiên giao dịch cho thấy các trader kém lạc quan với chỉ số VN30 và các kỳ vọng liên tục thay đổi thể hiện sự thiếu chắc chắn trong tuần qua.
Tin nhanh chứng khoán tuần tới
Thời gian gần đây, tình hình vĩ mô trong nước đang có nhiều tín hiệu tích cực hơn, GDP đang có xu hướng phục hồi đà tăng trưởng dù tôc độ tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng.
Tình hình địa chính trị thế giới vẫn tồn tại nhiều bất ổn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp và nguy cơ suy thoái vẫn xuất hiện tại một số quốc gia/khu vực, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, chính sách thắt chặt tiền tệ tại nhiều nước vẫn chưa cho thấy sẽ sớm kết thúc.
Với tình trạng vĩ mô hiện tại, nhịp hồi phục từ đầu năm đã phản ảnh kỳ vọng kinh tế sẽ dần ổn định và phục hồi, nếu thị trường chững lại để tiếp tục tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp.
Nhà đầu tư cần cập nhật liên tục tin tức kinh tế, chính trị trong nước và thế giới có thể ảnh hưởng đến chứng khoán tuần tới để có chiến lược đầu tư phù hợp.
Chuyên gia nhận định xu hướng thị trường chứng khoán tuần tới
Theo các chuyên gia của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, thị trường đã trải qua tuần thứ 4 điều chỉnh mạnh làm VN-Index đánh mất các ngưỡng hỗ trợ uptrend tại 1.150 điểm và 1.135 điểm, mặc dù phiên phục hồi tốt cuối tuần phát đi tín hiệu thị trường có thể kết thúc nhịp điều chỉnh.
Chốt tuần VN-Index đóng cửa ở 1.128,54 điểm (-25,61 điểm, -2,23%). Tuy nhiên do VN-Index vẫn chưa lấy lại được mốc hỗ trợ 1.135 điểm và thị trường điều chỉnh mạnh với biên độ rộng thời gian qua khiến cho động lực tăng giảm mạnh do đó thị trường sẽ cần nhiều thời gian để tìm điểm cân bằng mới và tích lũy chặt chẽ trở lại, những nỗ lực phục hồi trong thời gian tới sẽ mang tính chất kỹ thuật nhiều hơn.
Thị trường trong ngắn hạn đang có tín hiệu hình thành đáy để có nhịp phục hồi mới và nhà đầu tư ngắn hạn có khả năng chịu đựng rủi ro cao có thể tham gia giải ngân tại các phiên điều chỉnh với quan điểm thận trọng bởi nhịp hồi nếu hình thành thì cũng chỉ mang tính kỹ thuật. Trong trung, dài hạn thị trường vẫn chưa lấy lại được xu hướng uptrend nhưng sẽ sớm tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao. Trong các bản tin ngày và tuần chúng tôi đều khuyến nghị các nhà đầu tư trung và dài hạn giải ngân trong giai đoạn vừa qua từ chân sóng, do đó nếu tuân thủ chiến lược giải ngân nhà đầu tư hoàn toàn đã cơ cấu được danh mục hợp lý.
* Những phân tích, nhận định thị trường chứng khoán tuần tới chỉ mang tính chất tham khảo. Nhà đầu tư được khuyến cáo tự chịu trách nhiệm trước quyết định mua bán trên thị trường chứng khoán.