Stars Capital – Lập quy hoạch Khu du lịch Măng Đen đạt các tiêu chí của Khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế.
“Vua tôm” Minh Phú (cổ phiếu MPC) muốn làm nhà ở xã hội hàng trăm tỷ đồng
Nhận định cổ phiếu KDH: Kỳ vọng ở dự án The Privia
Lập quy hoạch Khu du lịch Măng Đen hơn 90.000ha
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 29/11/2023 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2045.
Cụ thể, phạm vi ranh giới: Bao gồm tổng diện tích tự nhiên của thị trấn Măng Đen và 05 xã: Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành, Hiếu và Pờ Ê, huyện Kon Plông.
Phía Bắc giáp các xã Đăk Nên, Đăk Ring, Ngọk Tem; Phía Nam giáp huyện Kon Rẫy và huyện KBang tỉnh Gia Lai; Phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi; Phía Tây giáp huyện Tu Mơ Rông, huyện Kon Rẫy.
Diện tích nghiên cứu lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen khoảng 90.152ha, trong đó: Nghiên cứu thiết kế quy hoạch các khu dân dụng, ngoài dân dụng (có tính đến xây dựng công trình tập trung) thực hiện đối với phần diện tích không có rừng tự nhiên (khoảng 19.148 ha). Đối với phần diện tích rừng tự nhiên (khoảng 71.004 ha):
Định hướng quy hoạch khai thác hoạt động du lịch, tổ chức hệ thống hạ tầng kết nối phải đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật liên quan.
Mục tiêu quy hoạch là phát triển Khu du lịch Măng Đen thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Nguyên với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa truyền thống.
Dự báo quy mô dân số: dân số hiện trạng (năm 2022) là 19.770 người; đến năm 2030 khoảng 82.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi); đến năm 2045 khoảng 184.300 người (bao gồm cả dân số quy đổi).
Dự báo quy mô khách du lịch dự kiến đến năm 2030 đạt khoảng 2,5 triệu lượt khách/năm; đến năm 2045 đạt khoảng 5 triệu lượt khách/năm.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo, bố trí nguồn vốn, phê duyệt tổng dự toán chi phí quy hoạch theo quy định pháp luật hiện hành. Giao UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan liên quan tổ chức lập Đồ án quy hoạch xây dựng Khu du lịch Măng Đen huyện Kon Plông đến năm 2045 theo quy định của pháp luật.
Quy hoạch Khu du lịch Măng Đen hơn 90.000ha mang tầm cỡ quốc gia
Mục tiêu và định hướng
Quan điểm lập quy hoạch nhằm phát triển Khu du lịch Măng Đen đạt các tiêu chí của Khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế. Phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh cao, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện Kon Plông nói riêng và của tỉnh Kon Tum nói chung.
Phát triển Khu du lịch Măng Đen nhằm thúc đẩy khai thác các lợi thế độc đáo về điều kiện khí hậu, cảnh quan tự nhiên và nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của địa phương; đảm bảo phát triển bền vững, đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
Phát triển Khu du lịch Măng Đen phải bảo đảm an ninh, quốc phòng; trong đó, cần đặt trọng tâm vào ổn định an ninh chính trị, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, dân trí người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc; đảm bảo môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể và không gian văn hóa liên quan.
Mục tiêu là xây dựng và phát triển Khu du lịch Măng Đen trở thành một trong những động lực phát triển du lịch cả nước. Phấn đấu đến năm 2045, Khu du lịch Măng Đen trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia và khu vực, với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Để đạt được những mục tiêu trên, một trong những yêu cầu trọng tâm nghiên cứu quy hoạch là phải nghiên cứu mô hình phát triển khu du lịch sinh thái, cấu trúc không gian đô thị – du lịch; phân bố hệ thống đô thị – nông thôn trên cơ sở kế thừa đồ án Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen; Quy hoạch chung đô thị Kon Plông… Tổ chức không gian cho các chức năng Khu du lịch Măng Đen như: trung tâm du lịch chính mang tính chất trung tâm tập trung hầu hết các sản phẩm và dịch vụ đặc trưng với quy mô lớn của khu du lịch, điểm du lịch vệ tinh, khu vực đô thị – nông thôn; các khu vực bảo vệ cảnh quan – di tích; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên; rừng sản xuất khai thác hoạt động du lịch, tổ chức hệ thống hạ tầng kết nối phải đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật liên quan và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đề xuất các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian dành cho trung tâm du lịch chính, các điểm du lịch vệ tinh; thị trấn Măng Đen và các xã; nghiên cứu các giải pháp quản lý tầng cao và mật độ các khu vực đặc trưng như trung tâm thị trấn Măng Đen – Măng Cành, nơi tập trung di tích lịch sử và thắng cảnh Măng Đen; làng đồng bào dân tộc thiểu số…