Triển vọng cổ phiếu FPT: Câu chuyện tăng trưởng trong nhiều năm

trien-vong-co-phieu-fpt-cau-chuyen-tang-truong-trong-nhieu-nam

Stars Capital – Ngày 12/12/2023, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã có những phân tích, nhận định về triển vọng cổ phiếu FPT trong nhiều năm tới.

Thị giá cổ phiếu tăng mạnh, FPT trở lại top 10 công ty vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam

Nhận định thị trường chứng khoán hôm nay (5/12/2023), khuyến nghị cổ phiếu FPT

Cổ phiếu cần quan tâm hôm nay (24/10/2023): CTCP Chứng khoán FPT (mã: FTS)

Stars Capital cung cấp dịch vụ M&A doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán

Triển vọng cổ phiếu FPT: Câu chuyện tăng trưởng trong nhiều năm

FPT là công ty dịch vụ công nghệ hàng đầu của Việt Nam đồng thời cũng cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao (và sinh lợi tốt). Hoạt động kinh doanh chính của FPT bao gồm công nghệ (phần mềm), viễn thông và giáo dục. FPT là nhà xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) số một Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 1 tỷ USD, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ CNTT của cả nước. Với vị thế thống lĩnh này, FPT đã chứng tỏ năng lực trong việc nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu về dịch vụ CNTT thuê ngoài (outsourcing).

Khả năng của FPT đã được chứng minh trong việc chinh phục các thị trường mới bằng cách khai thác các khách hàng lớn. FPT đã thành công trong việc khai thác thị trường Mỹ với mức tăng trưởng doanh thu 50% YoY trong năm 2022, chiếm 13% tổng doanh thu. Ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của FPT. Ngoài ra, FPT đã chuyển đổi chiến lược để tập trung vào các khách hàng lớn, điều này sẽ giúp FPT tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong tương lai. Cụ thể, giá trị hợp đồng lớn (tức cao hơn 5 triệu USD mỗi hợp đồng) chiếm 7% tổng doanh thu hợp đồng đã ký trong 6T2023, tăng từ mức 5% trong năm 2022E.

Lợi thế chi phí thấp giúp FPT giành được các hợp đồng trên toàn cầu. Doanh thu trên mỗi nhân viên của FPT đạt 40.952 USD trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức trung vị 55.702 USD của các công ty niêm yết tương tự cùng ngành trong cùng kỳ. Ngoài ra, giá vốn hàng bán (COGS) trên mỗi nhân viên của FPT chỉ 24.977 USD, thấp hơn nhiều so với mức trung vị ngành là 32.270 USD trong cùng kỳ. Chứng khoán Yuanta cho rằng doanh thu/COGS tương đối thấp trên mỗi nhân viên cho thấy FPT là một nhà cung cấp có chi phí thấp. Sự dẫn đầu về chi phí này là một lợi thế cạnh tranh quan trọng.

FPT được nhiều nhà đầu tư xem là cổ phiếu công nghệ hàng đầu của Việt Nam, nhưng giáo dục – chứ không phải dịch vụ CNTT – mới là mảng kinh doanh đang tăng trưởng nhanh nhất. Doanh thu màng giáo dục tăng ~53% YoY và LNTT tăng ~63% YoY trong năm 2022.

Như vậy, giáo dục chiếm 11% doanh thu năm 2022, tạo ra biên lợi nhuận trước thuế hấp dẫn là 32%. Trong năm 2023, FPT đã phân bổ 29% tổng vốn đầu tư năm 2023 cho giáo dục, tương đương 1,7 nghìn tỷ đồng và tăng +113% YoY. Với cam kết rõ ràng về đầu tư vào giáo dục, kỳ vọng phân khúc này FPT sẽ đạt CAGR đối với doanh thu là 43,0% trong giai đoạn 2022-2027 và chúng tôi dự báo phân khúc này sẽ chiếm 25% doanh thu hợp nhất trong năm 2027.

FPT đầu tư tích cực để thúc đẩy tăng trưởng. Chứng khoán Yuanta dự báo CAPEX của FPT sẽ đạt 8,6 nghìn tỷ đồng vào năm 2027, tương đương sẽ tăng với CAGR 22,4% trong 5 năm tới. Kế hoạch đầu tư năm 2023 của FPT tương ứng với mức tăng trưởng +80% YoY với trọng tâm là giáo dục, điều này sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận ròng của công ty trong thời gian tới. Nói cách khác, FPT đã phân bổ 29% ngân sách đầu tư năm 2023 cho giáo dục, tương đương 1,7 nghìn tỷ đồng và tăng +113% YoY.

Hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành bán lẻ thông qua công ty liên kết FRT? FPT được hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành bán lẻ Việt Nam nhờ sở hữu 46% cổ phần của công ty liên kết FPT Retail (FRT, MUA). Công ty này hiện đang vận hành 2 chuỗi bán lẻ điện tử (đóng góp 69% tổng doanh thu năm 2022) và một chuỗi bán lẻ dược phẩm (chỉ đóng góp 31% doanh thu năm 2022 nhưng lại là động lực tăng trưởng trong tương lai).

Chứng khoán Yuanta đã phát hành báo cáo lần đầu của FRT với khuyến nghị mua. Chứng khoán Yuanta kỳ vọng kết quả kinh doanh của FRT sẽ cải thiện vào năm 2024E với dự báo PATMI tăng +253% YoY, động lực chủ yếu đến từ sự phục hồi của nền kinh tế và sự tăng trưởng vượt trội của chuỗi bán lẻ dược phẩm Long Châu – vốn đang là chuỗi bán lẻ dược phẩm số 1 tại Việt Nam.

Các công ty liên kết khác. FPT còn sở hữu 48% cổ phần của nhà phân phối điện tử Synnex FPT, một liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ logistics/phân phối Đài Loan Synnex Technology. FPT cũng nắm giữ 25% cổ phần của công ty quản lý tài sản FPT Capital, một khoản đầu tư 211 tỷ đồng không có ý nghĩa về mặt định giá đối với tập đoàn, nhưng vẫn cho thấy khả năng tiếp cận một ngành kinh doanh thú vị, dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng trong những năm tới.

Chứng khoán Yuanta cho rằng lợi nhuận của nhóm các công ty liên kết sẽ giảm -5,6% YoY trong năm 2023E, chủ yếu do sự suy giảm trong mảng bán lẻ điện tử của FRT, và sau đó sẽ phục hồi tăng +37,8% YoY vào năm 2024E.

Định giá cổ phiếu vẫn hấp dẫn, dựa trên những yếu tố cơ bản vượt trội.

FPT đã ghi nhận mức tăng trưởng PATMI liên tục trên 20% trong hai năm qua bất chấp những biến động kinh tế toàn cầu và nhiều sự kiện tiêu cực trong nước. ROE cũng duy trì ở mức trên 20% trong giai đoạn 2019-2022 nhờ lượng tiền mặt ròng dồi dào và đòn bẩy giảm.

Chứng khoán Yuanta dự báo ROE năm 2023E là 23,5%, cao hơn đáng kể so với mức trung vị ngành trong khu vực là 20,9%. FPT đang giao dịch ở mức PE 2024E là 16,4x, thấp hơn nhiều so với mức trung vị ngành trong khu vực là 19,6x.

Giá cổ phiếu FPT đã tăng 35% YTD, vượt VN-Index 21%. Chứng khoán Yuanta cho rằng kết quả vượt trội này là hợp lý dựa trên nền tảng cơ bản vững chắc của công ty.

Tuy nhiên, FPT hiện đang giao dịch ở mức +2 lần độ lệch chuẩn so với PE trung bình lịch sử, điều này cho thấy rủi ro ngắn hạn là giá cổ phiếu có thể đã quá nóng. Chứng khoán Yuanta xem một đợt điều chỉnh lành mạnh là cơ hội tuyệt vời để mua vào.

Triển vọng cổ phiếu FPT: Câu chuyện tăng trưởng trong nhiều năm

FPT được kỳ vọng tăng trưởng trong nhiều năm

Giáo dục: Động lực tăng trưởng lợi nhuận

Giáo dục là mảng kinh doanh quan trọng của FPT. Mảng kinh doanh này không chỉ mang lại biên lợi nhuận cao nhất trong các phân khúc mà còn hỗ trợ cho các ngành kinh doanh khác của công ty bằng cách đào tạo nhân lực chất lượng cao – nguồn lực chủ chốt của FPT, cả hiện tại và tương lai.

Được hỗ trợ bởi sự đầu tư tích cực và nhu cầu mạnh mẽ, kỳ vọng doanh thu giáo dục sẽ đạt 28,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2027, tương đương với CAGR 43,0% trong giai đoạn 2022-2027. Dự báo CAGR LNTT của mảng kinh doanh này sẽ đạt 45,6% trong giai đoạn 2022-2027. Kỳ vọng LNTT của mảng này sẽ đạt 9.863 tỷ đồng vào năm 2027, tương ứng 40% tổng LNTT của FPT.

Mảng kinh doanh tăng trưởng mạnh. Giáo dục là mảng kinh doanh tăng trưởng nhanh nhất của FPT. Số lượng sinh viên toàn thời gian của trường đã đạt 100.000 sau khi tăng gấp 5 lần trong 5 năm qua. Phân khúc này đạt mức tăng trưởng doanh thu ~42% YoY trong 6T2023. FPT Education cũng đạt biên lợi nhuận trước thuế ~36% trong 6T2023, đây là biên lợi nhuận cao nhất trong các mảng kinh doanh của FPT.

Nhu cầu cải thiện chất lượng giáo dục đại học là rất cấp thiết. Ngành giáo dục nói chung có rất nhiều dư địa để phát triển trong những năm tới. Dân số Việt Nam 100 triệu người bao gồm 20 triệu người trong độ tuổi từ 6-17 và 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi. Nhưng trong khi Việt Nam vượt trội về giáo dục tiểu học và trung học, kết quả của giáo dục đại học (về số học sinh tốt nghiệp có kỹ năng làm việc thực tế) lại không mấy ấn tượng.

Ngân hàng Thế giới (2022) đã báo cáo rằng tính đến năm 2019, chỉ có 1,9% dân số được theo học đại học (1,67 triệu người), thấp hơn nhiều so với Malaysia (4,0%) và Hàn Quốc (3,8%). Tương tự, tỷ lệ nhập học chung của Việt Nam (gross enrolment rate) đối với giáo dục đại học chỉ là 28,6% trong năm 2019, thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc (>98%), Trung Quốc (>53%) và Malaysia (43%). Báo cáo của Ngân hàng Thế giới kết luận rằng Việt Nam cần tăng
cường đầu tư vào giáo dục đại học để trở thành một nền kinh tế dựa trên tri thức.

Nhu cầu về giáo dục chất lượng cao. Đối với tầng lớp trung lưu mới nổi, nhu cầu về giáo dục chất lượng cao là rất lớn. Việt Nam xếp ở vị trí thứ ba từ dưới lên trên tổng số 140 quốc gia trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới về mức độ phù hợp đối với kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học theo báo cáo của các nhà tuyển dụng.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới có tiêu đề “Giáo dục để phát triển vào năm 2022” (Educate to grow in 2022) chỉ ra rằng việc cải thiện chất lượng và tính phù hợp của phương pháp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học còn chậm và Việt Nam cần khẩn trương cải cách hệ thống giáo dục đại học để nâng cao chất lượng, tăng tính phù hợp, và cần tạo điều kiện cho nhiều người có thể theo học đại học.

Công nghệ giúp FPT có vị thế lý tưởng để cung cấp các dịch vụ giáo dục theo nhu cầu. Nhu cầu về nguồn nhân lực (cũng như lợi nhuận từ học phí) tạo ra động lực cho FPT làm điều đó. Do đó, FPT tiếp tục mở rộng hệ sinh thái giáo dục đa dạng bao gồm mọi cấp độ với nhiều ngành học khác nhau và tăng cường sự hiện diện trên khắp các tỉnh thành trên toàn quốc.

Đáng chú ý, các bộ kỹ năng của sinh viên FPT Education được xem là phù hợp và hấp dẫn đối với ngành dịch vụ công nghệ phụ thuộc vào nhân lực. Những sinh viên tốt nghiệp như vậy có khả năng tục được săn đón (bởi chính FPT và các công ty khác), do đó tạo điều kiện cho việc tăng số lượng tuyển sinh.

Ngược lại, cũng chính các nhà tư vấn này lại chỉ ra rằng một bất lợi chính đối với những sinh viên có thành tích vượt trội nằm ở yếu tố uy tín của tên trường, điều thường là lợi thế của các trường đại học quốc gia. Việc trúng tuyển vào những trường như vậy được coi là một thành tựu đặc biệt hơn, mặc dù kết quả thực tế thường không quá thuyết phục. Đây là một yếu tố văn hóa thú vị nhưng nó là điều bất thường trong khu vực (hoặc thế giới); cũng như đây là một vấn đề lớn đối với FPT Education trong tương lai.

Đầu tư mạnh vào giáo dục để duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Giáo dục là động lực tăng trưởng chính tiếp theo của FPT. Việc mở rộng mảng này được hỗ trợ bởi sự đầu tư mạnh mẽ của FPT vào giáo dục trong những năm gần đây. FPT dành 29% ngân sách đầu tư năm 2023 cho mảng giáo dục, tương đương 1.700 tỷ đồng và tăng trưởng +113% YoY. Chi phí đầu tư của mảng này tương đương mức tăng trưởng kép CAGR +87,6% trong giai đoạn 2017-2023F. FPT mở 2 trường THPT mới trong năm 2022 và đặt mục tiêu mở thêm 7 trường THPT mới trên toàn quốc trong năm 2023.

Chứng khoán Yuanta kỳ vọng số lượng sinh viên sẽ tăng với tốc độ CAGR +42% trong năm 2022-2027, tại thời điểm đó, con số này sẽ đạt 615.000 sinh viên. Dự báo doanh thu giáo dục sẽ tăng +46,5% YoY trong năm 2023, đây là động lực chính cho mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến do biên LNTT của mảng giáo dục là 35%, cao nhất trong các mảng kinh doanh của FPT.

Mở rộng quy mô đáng kể. Cụ thể, FPT Education có kế hoạch mở rộng quy mô các cơ sở giáo dục tại các khu vực như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hà Nam để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội địa phương và bảo đảm sự bền vững cho chính công ty trong tương lai.

FPT đã gặp gỡ các lãnh đạo để mở rộng cơ sở giáo dục tại tỉnh Bình Dương, trung tâm FDI trọng điểm, với việc phát triển “Khu đô thị Giáo dục Công nghệ FPT”. Như vậy, Bình Dương có khả năng trở thành trung tâm lớn nhất của FPT tại khu vực phía Nam.

Vào tháng 9, Đại học FPT đã thành lập Khoa Vi mạch và bán dẫn, với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu về vi mạch, bán dẫn.

Với nhu cầu mạnh mẽ từ sinh viên và sự đầu tư linh hoạt của FPT, chúng tôi dự báo doanh thu giáo dục sẽ đạt 28,2 nghìn tỷ đồng trong năm 2027, tương đương với CAGR +43,0% trong giai đoạn 2022-2027.

Ngoài ra, Chứng khoán Yuanta dự báo CAGR lợi nhuận trước thuế của mảng giáo dục là +45,6% trong giai đoạn 2022- 2027. Do đó, chứng khoán Yuanta kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của mảng này sẽ đạt 9.863 tỷ đồng vào năm 2027, chiếm 40% tổng LNTT của FPT.

Mảng công nghệ vẫn là động lực tăng trưởng cốt lõi

Công nghệ chiếm 59% tổng doanh thu năm 2022 sau khi đạt mức tăng trưởng kép CAGR 17,4% trong giai đoạn 2019-2022. Khối lượng đơn hàng mới trong 7T2023 của mảng dịch vụ CNTT tại nước ngoài của công ty đạt 16.695 tỷ đồng, tăng +21,4% YoY.

Chứng khoán Yuanta kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ duy trì ổn định trong tương lai và dự báo doanh thu mảng công nghệ sẽ đạt CAGR 24,5% trong giai đoạn 2022-2027. Quan điểm tích cực của Chứng khoán Yuanta được hỗ trợ bởi khả năng cạnh tranh về chi phí của FPT, việc mở rộng năng lực đối với mảng CNTT thông qua vốn đầu tư mạnh mẽ và chuyển đổi chiến lược sang khách hàng quy mô lớn.

Quy mô lớn của FPT trong mảng dịch vụ CNTT được hỗ trợ bởi khoảng 28 nghìn kỹ sư công nghệ được tuyển dụng tính đến cuối năm 2022, tăng +19% YoY. Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của số lượng kỹ thuật viên được tuyển dụng đạt 16,3% trong giai đoạn 2017- 2022 và chiến lược nhân sự mạnh mẽ này đã củng cố sự tăng trưởng chung của ngành công nghệ.

Xây dựng một nền tảng vững chắc trên toàn thế giới. Là một doanh nghiệp công nghệ toàn cầu, FPT có hệ thống 290 văn phòng và chi nhánh tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Cơ sở hạ tầng công nghệ của công ty phủ khắp các tỉnh thành và trung tâm đô thị lớn của Việt Nam.

FPT đang thâm nhập các thị trường mới bằng cách mở thêm văn phòng tại Châu Mỹ Latinh, Bắc Mỹ, Trung Đông và Đông Âu với mục tiêu tăng khả năng cung cấp dịch vụ và tính sẵn sàng phục vụ khách hàng toàn cầu.

FPT mở rộng thị trường ra thế giới

Khả năng chinh phục các thị trường mới đã được chứng minh. FPT đã chinh phục được thị trường Nhật Bản, hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của FPT và chiếm 17% doanh thu trong 6T2023. FPT cũng thành công trong việc thâm nhập thị trường Mỹ giai đoạn 2021-2022, doanh thu tại Mỹ hiện tăng trưởng nhanh hơn Nhật Bản. Cụ thể, doanh thu từ Mỹ tăng 50% YoY, chiếm 15% tổng doanh thu trong năm 2022, trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất trong năm ngoái. Tuy nhiên, trong 1H23, thị trường Mỹ đang chiếm 13% doanh thu, do thị trường Nhật Bản hồi phục mạnh mẽ.

Lợi thế chi phí là giá trị cốt lõi mà FPT mang lại cho khách hàng toàn cầu. Lợi thế chi phí thấp của FPT được thể hiện qua doanh thu trên mỗi nhân viên và COGS tương đối thấp của FPT, điều này sẽ giúp FPT chiến thắng khi cạnh tranh.

Cụ thể, doanh thu trên mỗi nhân viên của FPT đạt 40.952 USD trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức trung vị của các công ty niêm yết cùng ngành là 55.702 USD. Ngoài ra, COGS trên mỗi nhân viên của FPT cũng thấp hơn đáng kể so với các công ty cùng ngành, chỉ ở mức 24.977 USD, thấp hơn nhiều so với mức trung vị ngành là 32.270 USD.

Năng lực công nghệ cao giúp FPT giành được các hợp đồng lớn hơn. Sự chuyển đổi chiến lược của FPT sang các khách hàng lớn hơn sẽ hỗ trợ tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của FPT. Các hợp đồng thuộc nhóm 1 triệu USD (tức có giá trị từ 1 triệu USD đến dưới 5 triệu USD) và các hợp đồng có giá trị trên 5 triệu USD ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng doanh thu của FPT.

Ví dụ: Các hợp đồng có giá trị lớn hơn 1 triệu USD hiện chiếm 39% tổng số khách hàng, tăng từ mức 32% trong năm 2022; Các hợp đồng có giá trị trên 5 triệu USD chiếm 7% tổng số khách hàng, tăng từ mức 5% trong năm 2022.

Chứng khoán Yuanta tin rằng sự chuyển đổi này là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu mảng công nghệ: Doanh thu CNTT 6T2023 tăng 25,1% YoY, cao hơn mức tăng 23,5% YoY trong 6T2022, dẫn đến CAGR là 17,4% trong giai đoạn 2019-2022.

Mảng viễn thông: Duy trì tăng trưởng ổn định

FPT Telecom là công ty viễn thông lớn thứ ba tại Việt Nam, chỉ đứng sau hai ông lớn của nhà nước là Viettel và VNPT. Mảng kinh doanh viễn thông bao gồm băng thông rộng cố định; dịch vụ truyền hình trả phí đang phát triển nhanh, trong đó FPT là một trong những nhà cung cấp hàng đầu, các sản phẩm nhà thông minh, hệ sinh thái truyền thông kỹ thuật số. Mảng kinh doanh viễn thông chiếm 33% tổng doanh thu năm 2022 của FPT, mang lại biên lợi nhuận trước thuế cao 19%.

FPT telecom là nhà cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng cố định lớn thứ ba tại Việt Nam với 18,8% thị phần về số lượng hợp đồng, chỉ đứng sau VNPT (40,57%) và Viettel (40,14%) trong năm 2022. FPT Telecom xếp thứ ba trong số các nhà cung cấp trong nước về thị phần trung tâm dữ liệu, chỉ đứng sau VNPT IDC (8 trung tâm) và Viettel IDC (5 trung tâm). Ngoài ra, FPT được xếp hạng là công ty lớn thứ ba trên thị trường phát trực tuyến (streaming) về tương quan truyền thông (Share of Voice), chỉ đứng sau Netflix, Vieon.

Tăng trưởng lợi nhuận của mảng viễn thông chủ yếu được thúc đẩy bởi dịch vụ truyền hình trả phí (tức FPT Play), tăng 25,9% YoY (hoàn thành 100,7% kế hoạch năm) trong năm 2022. Điều này một phần được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng 20% YoY về số lượng thuê bao cũng như ARPU cao hơn. Mức tăng trưởng này cao hơn đáng kể so với mức tăng 15,6% YoY của dịch vụ viễn thông doanh nghiệp.

Đến cuối năm 2021, Việt Nam có 17 triệu thuê bao truyền hình trả phí, trong đó Truyền hình trực tuyến (OTT) là 3,7 triệu, gấp 3,5x so với năm 2020 (1 triệu). Quy mô thị trường xét về doanh thu là khoảng 9 nghìn tỷ đồng. FPT cho biết doanh nghiệp có ~35 triệu thuê bao, giả định bao gồm cả thuê bao không trả phí. Như vậy, giả định FPT có khoảng 3 triệu thuê bao trả phí, chiếm khoảng 17,6% thị phần.

Trong một cuộc khảo sát do Younet Media thực hiện vào năm 2021, FPT được xếp hạng là công ty lớn thứ ba trên thị trường phát trực tuyến (streaming) về tương quan truyền thông (Share of Voice) (9,5%) chỉ đứng sau Vieon (15,9%) và Netflix (24,0%). Share of Voice là một thước đo tiếp thị cho phép người quan sát so sánh mức độ nhận biết của một thương hiệu so với các đối thủ cạnh tranh.

FPT Play có nội dung đa dạng với 15.000 giờ nội dung và 200 kênh, cho phép cung cấp các gói dịch vụ tùy chỉnh để thu hút người dùng mới. Nội dung của dịch vụ này có tính sáng tạo và hấp dẫn hơn so với nội dung của Viettel và hầu hết các kênh truyền hình nhà nước truyền thống.

Luật kích hoạt nhu cầu về trung tâm dữ liệu, một thị trường đang phát triển nhưng thiếu nguồn cung tại Việt Nam. FPT Telecom hiện xếp thứ ba về thị phần trong số các nhà cung cấp trung tâm dữ liệu trong nước, sau Viettel IDC (13 trung tâm với 9.000 rack – vị trí mà công ty có thể sẽ giữ vững với kế hoạch đầu tư 10.000 tỷ đồng để sở hữu 17.000 rack vào năm 2025), đứng thứ 2 là VNPT IDC (8 trung tâm dữ liệu). Các công ty đa quốc gia phải lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam tại các cơ sở dữ liệu trong nước, điều này làm tăng nhu cầu về trung tâm dữ liệu.

FPT tự hào là trung tâm dữ liệu trong nước duy nhất tại Việt Nam đạt Tiêu chuẩn TIER III của Uptime Institute có trụ sở tại Hoa Kỳ, cung cấp mức độ bảo mật và khả dụng dữ liệu cao nhất cho khách hàng bằng cách đạt các chứng nhận ISO 20000 (ITIL) Tier iii, iso 27001 (BS7799) và ISO 9001:2000 FPT cũng đang đầu tư vào cáp quang biển để nâng cao hạ tầng mạng và trung tâm dữ liệu trong nước.

FPT Telecom cũng đang mở rộng công suất của các trung tâm dữ liệu để đón đầu tốc độ tăng trưởng vượt bậc của thị trường này tại Việt Nam. Cụ thể, FPT có 4 trung tâm dữ liệu: 3 trung tâm dữ liệu đang hoạt động và trung tâm thứ 4 đang được xây dựng tại Quận 9, TP.HCM.

Tổng công suất hiện tại là 8000 m2 và 2455 racks. FPT có kế hoạch mở rộng công suất thêm 62,9% lên 4.000 racks vào năm 2025 với Trung tâm dữ liệu FPT mới tại Quận 9, TP.HCM.

Ban lãnh đạo dự kiến sẽ đưa vào vận hành một phần trung tâm mới vào năm 2024. Ban lãnh đạo kỳ vọng rằng tỷ lệ sử dụng sẽ nhanh chóng đạt 100% sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động thương mại.

Doanh thu từ trung tâm dữ liệu đạt 15 triệu USD trong năm 2022 (chiếm 0,8% tổng doanh thu). Đến năm 2025, dự báo các trung tâm dữ liệu sẽ mang về 38 triệu USD (chiếm 1,1% tổng doanh thu), tương đương CAGR 38,4% trong giai đoạn 2022-2025.

Đầu tư vào mảng viễn thông đạt tăng trưởng kép là 22% trong giai đoạn 2017-2023, tăng dần trong ba năm qua với mức 20% vào năm 2021, 67% vào năm 2022 và 15% vào năm 2023E, sự đầu tư này phần lớn dành cho cơ sở hạ tầng viễn thông, trung tâm dữ liệu để đáp ứng nhu cầu cao về việc đưa các doanh nghiệp online hoặc chuyển đổi số.

Hoạt động kinh doanh viễn thông đã đạt mức tăng trưởng kép CAGR 15% (2019-2022). Ban lãnh đạo đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của mảng viễn thông là +20% mỗi năm trong ba năm tới để đạt được 1 tỷ USD vào năm 2025, nhờ vào trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) và phân tích dữ liệu (analytics). Mặc dù kỳ vọng mảng viễn thông có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cao nhờ cam kết liên tục đầu tư vào công nghệ mới của FPT.

Dự báo tăng trưởng doanh thu của Chứng khoán Yuanta trong giai đoạn 2022-2027 đối với mảng viễn thông sẽ đạt CAGR 11,5% nhờ việc cải thiện doanh thu bình quân trên một khách hàng (ARPU), mức dự báo này hiện đang thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của ban lãnh đạo.

Tổng quan ngành: Còn nhiều dư địa để phát triển

Theo dự báo mới nhất của Gartner, chi tiêu cho CNTT toàn cầu được dự báo sẽ tăng 5,5% YoY trong năm 2023 và 8,6% YoY vào năm 2024, đạt 5,04 nghìn tỷ USD. Cơ quan nghiên cứu này cho rằng bất chấp sự bất ổn kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục diễn ra, tất cả các khu vực đều được dự báo sẽ có mức tăng trưởng chi tiêu CNTT tích cực trong năm nay, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh các sáng kiến kinh doanh số – một phần là để đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế.

Cụ thể, mảng dịch vụ phần mềm sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số trong năm 2023 khi các doanh nghiệp ưu tiên phát triển lợi thế cạnh tranh của mình thông qua việc tăng năng suất, tự động hóa và các sáng kiến chuyển đổi dựa trên phần mềm.

Chi tiêu cho AI sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép CAGR là 26,7% trong giai đoạn 2022-2026. IDC dự báo chi tiêu toàn cầu cho AI, bao gồm phần mềm, phần cứng và dịch vụ cho các hệ thống lấy AI làm trọng tâm, sẽ tăng trưởng với CAGR là 26,7% trong 4 năm tới để đạt 118 tỷ USD vào năm 2026.

Dù có thể rất hấp dẫn khi nói về FPT như một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực AI, trong bối cảnh toàn cầu đang sôi sục xung quanh chủ đề trí tuệ nhân tạo, nhưng Chứng khoán Yuanta lại thận trọng trong việc này vì ảnh hưởng của AI đến doanh thu của công ty trong ngắn hạn khá nhỏ.

Tuy nhiên, cổ phiếu của FPT có lẽ là đại diện niêm yết tốt nhất của Việt Nam về chủ đề này, nhờ các dịch vụ AI mà công ty cung cấp, và rất có khả năng sẽ mở rộng theo nhu cầu trong những năm tới.

Theo dự báo mới nhất từ Gartner, dịch vụ đám mây sẽ tăng 21,7% YoY trong năm 2023, đạt 597 tỷ USD. Các nhà nghiên cứu của Gartner cho rằng các áp lực lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay đang có tác động kéo và đẩy (push-and-pull) đến chi tiêu đám mây. Tuy nhiên, điện toán đám mây sẽ tiếp tục là pháo đài của sự an toàn và đổi mới, hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh bất ổn nhờ vào tính linh hoạt, co giãn và có thể mở rộng. Các trung tâm dữ liệu, cơ sở hạ tầng cốt lõi của dịch vụ đám mây cũng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng mang tính cấu trúc này trong việc sử dụng và chi tiêu đám mây.

Thị trường trung tâm dữ liệu toàn cầu đạt mức tăng trưởng hai con số. Dự báo trung tâm dữ liệu sẽ tiếp tục là một trong những lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất của các doanh nghiệp toàn cầu về việc phân bổ vốn và chi phí trong thời gian tới. Gartner ước tính chi tiêu cho các hệ thống trung tâm dữ liệu toàn cầu đạt 212 tỷ USD trong năm 2022, tăng 11,1% YoY và cao hơn rất nhiều so với mức tăng 3% trong tổng chi tiêu cho CNTT vào năm ngoái.

Chứng khoán Yuanta ước tính rằng các công ty nước ngoài chiếm khoảng 80% thị phần trung tâm dữ liệu trong nước, được thống trị bởi Amazon Web Services (33%), Google (21%) và Microsoft (21%). Các công ty trong nước chỉ chiếm 20% thị phần.

Tuy nhiên, luật an ninh mạng mới của Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2022 yêu cầu các doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu của người Việt Nam sử dụng dịch vụ trong lãnh thổ Việt Nam. Do đó, các công ty lớn như Apple, Facebook và YouTube phải sử dụng các trung tâm dữ liệu đặt tại Việt Nam. Việc tuân thủ ban đầu có thể không đồng đều, nhưng nhìn chung luật này sẽ kích thích nhu cầu về trung tâm dữ liệu trong dài hạn.

Chuyển đổi kỹ thuật số giúp các doanh nghiệp vượt qua những bất ổn kinh tế vĩ mô mà thế giới đang phải đối mặt trong thời kỳ hậu đại dịch/hậu chính sách nới lỏng tiền tệ /hậu toàn cầu hóa. IDC ước tính rằng chi tiêu cho chuyển đổi số (DX) toàn cầu sẽ đạt 3,4 nghìn tỷ USD vào năm 2026, tương ứng với CAGR trong 4 năm (2022-2026) là 16,3%. Các nhà phân tích của IDC cho rằng 30% chi tiêu DX trên toàn thế giới trong tương lai sẽ được góp bởi các ngành sản xuất riêng biệt và ngành sản xuất quy trình, trong đó robot, hoạt động tự động và tài sản tự phục hồi là một số trường hợp chi tiêu hàng đầu FPT cũng được hưởng lợi từ xu hướng này. Doanh thu DX của công ty đã tăng +40% YoY trong 1H23.

Nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển nhanh nhất ở châu Á. Theo Financial Times và Công ty nghiên cứu công nghệ Omdia, đến năm 2026, châu Á được dự báo sẽ có 3 trong số 5 nền kinh tế số phát triển nhanh nhất thế giới, với Việt Nam và Ấn Độ lần lượt ở vị trí thứ nhất và thứ hai. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng YoY của Việt Nam đạt 9,3% YoY vào năm 2024, 8,9% YoY vào năm 2025 và 8,7% vào năm 2026.

Các thước đo tăng trưởng của FT-Omdia thuộc 5 hạng mục lớn sau: kết nối, thiết bị di động, giải trí kỹ thuật số, thanh toán; và chi phí của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company với tiêu đề e-Conomy SEA 2022: “Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội” cho biết nền kinh tế số của Việt Nam đạt 23 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 49 tỷ USD vào năm 2025, tương đương CAGR là 20,8% (2022-2025) nhờ động lực tăng trưởng nhanh của ngành thương mại điện tử.

Chính phủ đặt mục tiêu mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% GDP (~ 80 tỷ USD) và tăng lên 30% (~ 120 tỷ USD) vào năm 2030. Tăng trưởng đáng kể so với mức hiện tại (chiếm 14,3% GDP trong năm 2022). Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là chủ tịch sáng kiến chuyển đổi số quốc gia, cho thấy mức độ khẩn cấp và quyết liệt của những nỗ lực này.

Chiến lược quốc gia cũng đề ra các mục tiêu tăng trưởng quyết liệt cho các dịch vụ công, bao gồm mục tiêu năm 2025 là 80% các dịch vụ công có thể truy cập qua nhiều nền tảng số khác nhau bao gồm thiết bị di động (100% vào năm 2030) so với mức gần như bằng “0” hiện nay; và 70-90% các thủ tục của chính quyền cấp tỉnh, huyện và xã có thể xử lý trực tuyến.

FPT là một công ty có kinh nghiệm và uy tín trong việc hỗ trợ chuyển đổi số cho các dịch vụ công và do đó mang lại lợi ích cho sự phát triển nền kinh tế số của chính phủ. Đến cuối năm 2022, FPT đã hợp tác và cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số cho 24 tỉnh thành trên tổng số 63 tỉnh thành trên cả nước: bao gồm An Giang, Nam Định, Quảng Trị, Hưng Yên.

Khả năng mở rộng thị trường mới. FPT đã chinh phục thị trường Nhật Bản, đây là thị trường xuất khẩu CNTT lớn nhất của công ty. Tăng trưởng kéo dài trong 1H23 khi doanh thu từ thị trường Nhật Bản tăng 39,1% YoY. FPT cũng đã thành công trong giai đoạn 2021-2022 trong việc khai thác thị trường Mỹ, đây là thị trường hiện đang tăng trưởng nhanh hơn thị trường Nhật Bản với mức tăng trưởng doanh thu +50% YoY, chiếm 35% doanh thu dịch vụ CNTT toàn cầu của FPT, vẫn thấp một chút so với Nhật Bản, chiếm 39% doanh thu.

Đầu tư mạnh để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. Ngân sách của FPT cho tổng chi phí đầu tư vào năm 2023 đạt 5,8 nghìn tỷ đồng, tăng 45% YoY, tương đương với tốc độ CAGR 31,8% trong giai đoạn 2017-2023. Trong thời gian tới. Dự báo chi phí đầu tư của FPT sẽ tăng với tốc độ CAGR 22,4% trong năm năm tiếp theo và đạt 8.843 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.

Ngân sách vốn đầu tư năm 2023 của công ty được phân bổ 39% cho mảng viễn thông, 31% cho công nghệ và 29% cho giáo dục, chiếm 29% ngân sách của công ty.

FPT đang đầu tư mạnh vào việc phát triển các sản phẩm, nền tảng và giải pháp CNTT mới  cho các công nghệ cốt lõi như đám mây, AI và blockchain. Công ty cũng đang tập trung mở rộng các kênh bán hàng trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam và nước ngoài.

Ngân sách đầu tư phản ánh sự cam kết với giáo dục. Trong năm 2023, FPT chi 1,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 29% tổng ngân sách đầu tư năm 2023 cho mảng giáo dục có biên lợi nhuận cao, tăng 113% YoY. Như vậy, FPT đã tăng đầu tư vào giáo dục với CAGR là 88% trong giai đoạn 2017-2023. Sự tập trung vào mảng giáo dục có biên lợi nhuận cao này sẽ giúp tăng biên lợi nhuận trước thuế trong thời gian tới.

Phân tích tài chính: Tình hình tài chính vững chắc

Chứng khoán Yuanta dự báo doanh thu hợp nhất của FPT sẽ đạt CAGR là 25,0% trong giai đoạn 2022-2027, nhờ vào mảng công nghệ và giáo dục. Tiềm năng lớn cho việc cải thiện biên lợi nhuận trước thuế trong trong thời gian tới khi mảng giáo dục có biên lợi nhuận cao vượt trội so với các mảng kinh doanh còn lại về mặt doanh thu và LNTT.

Lợi nhuận của FPT đã cải thiện cùng với hiệu quả hoạt động được nâng cao. Kể từ năm 2019, các chỉ số lợi nhuận của FPT đã dần được cải thiện nhờ vòng quay tài sản và biên lợi nhuận ròng tăng. Dự báo sự cải thiện này sẽ kéo dài trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Ước tính ROE năm 2023 của FPT là 23,6%, cao hơn nhiều so với trung vị ROE của các công ty cùng ngành trong khu vực là 20%.

Tình hình tài chính tương đối lành mạnh. FPT đã giảm đáng kể đòn bẩy tài chính trong năm 2022, có thể là để đối phó với việc lãi suất tăng. Dự báo FPT sẽ tiếp tục giảm đòn bẩy trong những năm tới, mặc dù chi phí vốn dự kiến sẽ tăng đáng kể trong cùng kỳ.

FPT ghi nhận khoản đầu tư 1,9 nghìn tỷ đồng vào các công ty liên kết, trong đó bao gồm 803 tỷ đồng cho 46% cổ phần tại FRT. Giá trị sổ sách dựa trên kế toán của tất cả các tài sản này thấp hơn giá trị thị trường. Ví dụ, cổ phần FRT có giá trị dựa trên thị trường là 4,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn 5,6x so với giá trị ghi nhận trong bảng cân đối kế toán của FPT.

Dòng tiền mạnh dù chi phí đầu tư tăng. Dự báo dòng tiền tự do của FPT sẽ duy trì ở mức cao trong suốt giai đoạn 2022-2027. Trong năm 2023, vốn đầu tư của FPT tăng 80% YoY, chủ yếu nhờ mảng giáo dục có biên lợi nhuận cao, điều này sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận ròng trong tương lai. FPT dành ra 29% ngân sách đầu tư năm 2023 cho giáo dục, tương đương 1.700 tỷ đồng và tăng 113% YoY. Chứng khoán Yuanta dự báo tổng chi phí đầu tư sẽ tăng trưởng với CAGR là 22,4% trong năm năm tới, đạt 8.843 tỷ đồng vào năm 2027.

Cập nhật kết quả kinh doanh từ đầu năm đến nay

PATMI trong 8T2023 tăng +19% YoY. FPT báo cáo PATMI trong 8T2023 đạt 4.086 tỷ đồng, tăng +19,9% YoY, chủ yếu nhờ vào doanh thu tăng trưởng mạnh 22,4% YoY, đạt 28.429 tỷ đồng. Tất cả các phân khúc đều báo cáo sự tăng trưởng khả quan.

Công nghệ đang là mảng đang dẫn đầu mức tăng trưởng lợi nhuận từ đầu năm đến nay. Doanh thu công nghệ trong 8T2023 tăng 24,4% YoY đạt 19.442 tỷ đồng, chiếm 59% doanh thu trong kỳ. Ngoài ra, LNTT công nghệ đạt 2.740 tỷ đồng, tăng +24,0% YoY.

Giáo dục cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong 8T2023. Doanh thu mảng giáo dục tăng +63,3% YoY đạt 3.047 tỷ đồng trong 8T2023. Trong khi đó, LNTT mảng giáo dục tăng 37,1% YoY đạt 1.113 tỷ đồng. Biên lợi nhuận trước thuế trong 8T2023 vẫn ở mức cao 36,5%, cao nhất trong tất cả các mảng kinh doanh của FPT.

Doanh thu dịch vụ viễn thông duy trì ổn định từ đầu năm đến nay, tăng 8,1%YoY trong 8T2023, đạt 10.337 tỷ đồng. LNTT mảng này tăng 6,2% đạt 2.050 tỷ đồng.

Về mặt cơ cấu thị trường, Nhật Bản ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ 41,3% YoY mặc dù đồng Yên Nhật giảm giá, điều mà ban lãnh đạo cho rằng là do nhu cầu về dịch vụ chuyển đổi số tăng cao. FPT đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá và điều chỉnh giá bán để ứng phó với biến động của đồng Yên nhằm đảm bảo sự tăng trưởng ổn định cho hoạt động kinh doanh tại Nhật Bản.

Định giá và rủi ro

Chứng khoán Yuanta đưa ra khuyến nghị mua với mức giá mục tiêu là 120.740 đồng/cổ phiếu, được tính toán dựa trên phương pháp kết hợp mô hình định giá FCFF (50%) và so sánh P/E (50%), tương ứng với mức sinh lời trong 12 tháng là 30,5%.

Định giá

Giá mục tiêu của chúng tôi là 120.740 đồng/cổ phiếu thông qua kết hợp mô hình định giá FCFF (50%) và so sánh P/E (50%). Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng với PE 2024E là 19,9x và PE 2025E là 15,2x, mức mà chúng tôi cho là hợp lý dựa trên vị thế của FPT – cổ phiếu ngành công nghệ hàng đầu tại Việt Nam và câu chuyện tăng trưởng trong dài hạn hấp dẫn.

Phương pháp FCFF

Giả định dựa trên phương pháp FCFF bao gồm WACC là 9,7%. Việc định giá thận trọng này dựa trên chi phí nợ là 7%, chi phí vốn chủ sở hữu là 12,8% và mức tăng trưởng bền vững (terminal growth) khiêm tốn là 3%.

FPT sẽ mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội tiếp cận câu chuyện tăng trưởng trong nhiều năm. Quan điểm tích cực này được đưa vào các dự báo trong mô hình định giá của Chứng khoán Yuanta đến năm 2029, nhưng phân tích độ nhạy được trình bày dưới đây chỉ ra rằng định giá dựa trên FCFF vẫn còn thận trọng với mức tăng trưởng cuối cùng khiêm tốn là 3%.

Chứng khoán Yuanta tin rằng đà tăng trưởng mạnh mẽ của FPT sẽ kéo dài đến sau năm 2029 dựa trên sự mở rộng tích cực của công ty trong các mảng kinh doanh sinh lời nhiều nhất (tức là công  nghệ và giáo dục).

So sánh P/E

Áp dụng hệ số PE mục tiêu là 19,6x, đây là mức định giá trung vị của các công ty cùng ngành trong khu vực. Một lần nữa, điều này được cho là thận trọng khi dự báo ROE của FPT sẽ đạt 25%, cao hơn đáng kể so với mức ước tính của các bên cho những công ty cùng ngành của FPT trong khu vực. Từ góc độ thuần lý thuyết, khả năng sinh lời vượt trội của FPT cho thấy FPT có thể xứng đáng với mức định giá cao hơn nhiều so với các công ty cùng ngành.

Rủi ro

Suy thoái kinh tế có thể dẫn đến cắt giảm chi tiêu cho CNTT. Sự suy thoái tiềm ẩn của nền kinh tế toàn cầu có thể làm giảm chi tiêu của các khách hàng sử dụng dịch vụ CNTT. Tuy nhiên, việc sụt giảm chi tiêu cho CNTT có thể không xảy ra trong thời kỳ suy thoái toàn cầu. Điều này là do các công ty có thể tăng chi tiêu thuê ngoài cho CNTT khi họ tìm cách cắt giảm chi phí và tiếp tục thực hiện các chiến lược số hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Biến động tỷ giá. 40% doanh thu của FPT đến từ thị trường toàn cầu, chủ yếu là Nhật Bản và Hoa Kỳ. Do đó, biến động tỷ giá của đồng yên và USD có thể tác động đến kết quả kinh doanh hàng quý của công ty (cả tích cực và tiêu cực). Nhưng đây không phải là rủi ro về cơ cấu và mức độ rủi ro trong bảng cân đối kế toán của FPT trước biến động tỷ giá là thấp do 279 triệu USD khoản vay bằng USD của công ty đã được trích lập dự phòng đầy đủ.

Chứng khoán Yuanta kỳ vọng doanh thu giáo dục sẽ đạt 28,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2027, tương đương với CAGR +43,0% trong giai đoạn 2022-2027. Tuy nhiên, doanh thu từ phân khúc này có thể không đáp ứng kỳ vọng do tình hình kinh tế bất ổn, cạnh tranh và những rủi ro pháp lý có thể xảy ra.

Rủi ro cạnh tranh cũng là vấn đề cần lưu tâm. Các quy định hiện tại có lợi cho các trung tâm dữ liệu trong nước vì các quy định này yêu cầu các tập đoàn toàn cầu phải lưu trữ dữ liệu của người Việt Nam sử dụng dịch vụ trong các cơ sở trong nước. Nhưng điều này cũng thu hút các nhà cung cấp dịch vụ đa quốc gia lớn như AWS, Google vào cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.

Vấn đề nữa là thiếu nguồn nhân lực. Triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của công ty đòi hỏi FPT phải tuyển dụng đủ số lượng kỹ sư và nhân viên có kỹ năng khác để thực hiện các dự án: một thách thức quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp CNTT. FPT đã vừa giải quyết vừa hưởng lợi từ mối lo ngại này bằng cách mở rộng hoạt động kinh doanh giáo dục, điều này vừa thúc đẩy LNTT của công ty vừa đảm bảo cung cấp nhân tài phù hợp để đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Rủi ro về giá cổ phiếu: Một sự điều chỉnh ngắn hạn có thể xảy ra sau khi cổ phiếu đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Giá cổ phiếu của FPT đã tăng 35% YTD (+42% ở mức đỉnh) do kết quả kinh doanh tích cực của công ty và sự quan tâm trở lại trên toàn cầu đối với các cổ phiếu ngành công nghệ. Giá cổ phiếu đã giảm -7% trong ba tuần qua, nhưng sự điều chỉnh này có thể tiếp tục trong ngắn hạn. Nếu giá cổ phiếu tiếp tục giảm, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để mua vào và nắm giữ dài hạn.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/12/2023, giá cổ phiếu FPT hôm nay giảm 1.65% về mốc 95.200 đồng/cổ phiếu.

Thông tin liên hệ:

Công ty Cổ phần Đầu tư Stars Capital

Văn phòng giao dịch: Tầng 4B, Toà B Vinaconex2, KĐTM Kim Văn Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội

  • Điện thoại: 0963307675
  • [email protected]
  • Khách hàng cần tư vấn về thị trường chứng khoán, đầu tư chứng khoán, mã cổ phiếu tiềm năng tại nhóm Zalo: Stars Capital Tư Vấn Chứng Khoán
  • Khách hàng đang gặp khó khăn về tài chính cần tư vấn về giải pháp về dòng tiền, cần cơ cấu doanh nghiệp, cơ cấu tài sản, dịch vụ M&A doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán trao đổi tại nhóm Zalo: Stars Capital – Cơ Cấu Doanh Nghiệp