“Làn gió mới” trong các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam

Stars Capital – Thời làn sóng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam đã có “làn gió mới” là tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động mua lại các doanh nghiệp nước ngoài để mở rộng đầu tư, tạo sức bật mới.

Stars Capital cung cấp dịch vụ M&A doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán

Theo Mergermarket, sau COVID-19, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đã chậm lại so với tốc độ kỷ lục vào năm 2021, với tổng số thương vụ trong năm 2022 giảm 3% từ 142 còn 138. Tuy nhiên, tổng giá trị thương vụ vẫn tăng nhẹ 6% so với con số ước tính năm 2021, đạt 5,7 tỉ USD.

Theo số thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho thấy, dù khó khăn kinh tế toàn cầu nhưng trong 9 tháng đầu năm nay cả nước có đến gần 2.540 giao dịch góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,82 tỉ đô la Mỹ, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Nóng” chuyện mua bán và sáp nhập doanh nghiệp

Mới đây, nhà sáng lập thương hiệu bánh bao Thọ Phát với hơn 35 năm xây dựng với 6.000 điểm bán đã bán 68% cổ phần cho Tập đoàn KIDO.  Thọ Phát là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng công nghệ hiện đại (công suất lên đến 10.000 tấn/năm) vào sản xuất các sản phẩm bánh bao với quy mô lớn và doanh số dự kiến sẽ đạt đến 1.000 tỷ đồng trong năm nay.

Ông Vũ Phước Thọ, người sáng lập thương hiệu bánh bao Thọ Phát cho biết, việc ông quyết định bán thương hiệu Thọ Phát cho Tập đoàn KIDO là bởi hai người con của ông không thích kế nghiệp, trong khi ông đã hơn 60 tuổi và muốn nghỉ ngơi.

Ông chủ Thọ Phát cho rằng, KIDO doanh nghiệp lớn của Việt Nam có nhiều kinh nghiệm M&A (mua bán và sáp nhập), và doanh nghiệp này cũng đã giúp các thương hiệu sau khi về với mình phát triển tốt hơn, như dầu Tường An hay kem Celano/Merino…

Giá trị giao dịch của thương vụ này không được tiết lộ cụ thể. Tuy nhiên, về thương vụ đầu tư vào bánh bao Thọ Phát, báo cáo tài chính quí 2/2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO cho thấy, đến ngày cuối tháng 6 vừa qua, số tiền KIDO đầu tư vào Công ty cổ phần Thọ Phát Quốc tế là 100 tỉ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 25%. Như vậy, khi nâng tỷ lệ sở hữu nắm giữ lên 68% thì số tiền Tập đoàn KIDO đầu tư vào Thọ Phát sẽ lớn hơn nhiều.

Thương vụ này đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của KIDO trong lĩnh vực chế biến bánh, dần hiện thực hóa mục tiêu xếp thứ 2 ngành chế biến bánh Việt Nam, sau Mondelez Kinh Đô Việt Nam (thuộc Tập đoàn Mondelez International, Mỹ).

Trong lĩnh vực in ấn và bao bì, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, ông Nguyễn Văn Dòng, cho biết một doanh nghiệp in lớn ở Hà Nội cách đây vài tháng đã quyết định bán 80% cổ phần cho một nhà đầu tự nước ngoài. Điều đáng chú ý, đã có hàng chục doanh nghiệp Việt Nam trong ngành đã rơi vào tay nhà đầu tư ngoại. Xu hướng này tiếp tục tăng vì tâm lý bị cạnh tranh bởi nhà sản xuất nước ngoài ngày càng cao.

Cũng theo ông Dòng, thời gian qua có nhiều đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… đến hiệp hội để tìm hiểu về thị trường, công nghệ sản xuất… của ngành. Những doanh nghiệp này sẽ đầu tư sản xuất tại Việt Nam, thậm chí là mua lại phần lớn cổ phần hoặc thâu tóm các nhà máy sản xuất của doanh nghiệp trong nước để tận dụng nhà xưởng, công nghệ và lực lượng lao động lành nghề sẵn có nhằm có thể nhanh chóng tham gia thị trường gần 100 triệu dân trong nước.

Bên cạnh in ấn và bao bì, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư ngoại thâu tóm, rót vốn chi phối tại các doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều ngành hàng, trong đó đáng chú ý là ngành sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, dược phẩm, ngân hàng, y tế…

Mới đây, Bain Capital, Quỹ đầu tư tư nhân lớn trên thế giới sẽ đầu tư ít nhất 200 triệu đô la Mỹ bằng vốn cổ phần vào Masan Group, đánh dấu dự án đầu tư đầu tiên của Bain Capital vào Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), tình hình kinh tế thay đổi quá nhanh, doanh nghiệp rơi vào tình trạng rất khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và vấn đề quản trị. Theo đó, một số doanh nghiệp phải bán bớt tài sản để trả nợ.

Hoạt động M&A cũng diễn ra sôi động ở một số lĩnh vực khác. Trong 4 tháng đầu năm 2023, Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang liên tiếp thực hiện 2 thương vụ lớn: Đầu tháng 2, Hóa chất Đức Giang chi ra gần 135 tỉ đồng mua vào 3,4 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Ắc quy Tia Sáng (Tibaco) để nâng sở hữu từ 0% lên 51% vốn điều lệ từ 2 cá nhân. Đến giữa tháng 4, Hóa chất Đức Giang tiếp tục thông báo sẽ chi 635 tỉ đồng để mua lại 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Phốt Pho 6, dự kiến thương vụ sẽ diễn ra trong quý II/2023.

Trong lĩnh vực ngân hàng, mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm 2023, hoạt động M&A là một trong những nội dung được quan tâm. Không chỉ những NH thuộc diện chuyển giao bắt buộc, mà một số NH thương mại khác cũng có nhu cầu sáp nhập thêm ngân hàng khác vào để tăng nguồn lực tài chính, mạng lưới, thị phần, tăng sức cạnh tranh…

Tại đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cổ đông cũng đặt vấn đề về việc VPBank có nằm trong nhóm những ngân tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém và có cơ hội được nới room ngoại lên 49% không?

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết VPBank là 1 trong 4 ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc. Không chỉ được quan tâm trong việc sẽ tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém, VPBank còn được chú ý sau thương vụ bán 15% vốn cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản thông qua đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Thỏa thuận này chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.

Với khoản đầu tư chiến lược của SMBC lần này, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam. Nền tảng vốn lớn cho phép VPBank có đủ năng lực tài chính để phục vụ những doanh nghiệp có quy mô rất lớn, đặc biệt là những DN FDI, các tập đoàn đa quốc gia đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.

Tại đại hội cổ đông của một số NH khác như Vietcombank, MSB, MB, TPBank, HDBank… vấn đề mua bán, sáp nhập hoặc nhận chuyển giao bắt buộc một NH khác, mua bán thêm công ty con, công ty chứng khoán cũng được đề cập. Hiện có 4 NH thương mại yếu kém thuộc diện tái cơ cấu bao gồm: NH Đông Á (DongABank), NH Xây dựng Việt Nam (CBBank), NH Đại Dương (OceanBank) và NH Dầu khí toàn cầu (GPBank).

“Làn gió mới” trong các thương vụ mua bán sáp nhập

Một điều đáng chú ý trong các thương vụ M&A hiện nay là đã có tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động mua lại các doanh nghiệp nước ngoài để mở rộng đầu tư, tạo sức bật mới.

Mới đây, Tập đoàn thực phẩm Cawells Thụy Điển đã bán 51% cổ phần cho Nutifood Việt Nam. Sau thương vụ này, doanh nghiệp Việt có quyền quyết định trong những chiến lược sắp tới của tập đoàn này. Đặc biệt là có thể bổ sung thêm vào hệ sinh thái của mình Nhà máy sản xuất và Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng tại quốc gia Bắc Âu.

Với việc đầu tư 51%, Nutifood chính thức sở hữu CawellsVới việc đầu tư 51%, Nutifood chính thức sở hữu Cawells

Ông Trần Bảo Minh – Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood thông tin trên báo chí rằng, các nước châu Âu có công nghệ, thương hiệu rất đẹp nhưng họ không có thị trường, trong khi đó Việt Nam có thị trường 100 triệu dân và Việt Nam có lợi thế để trở thành cái HUB thu hút 5 tỷ dân còn lại của châu Á.

Theo tìm hiểu, các thương vụ mua bán sáp nhập lớn hiện nay có 2 xu thế chính như sau: Một là mua bán sáp nhập để gia tăng giá trị thương hiệu (phổ biến trong ngành tiêu dùng, thực phẩm); Hai là bổ sung nguồn lực tăng trưởng, mở rộng kinh doanh hoặc chuyển đổi tăng trưởng xanh (công nghệ, phân phối bán lẻ, năng lượng tái tạo).

Theo TS Trần Du Lịch – Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, mua doanh nghiệp nước ngoài ở nước ngoài, ở những ngành có liên quan thông qua M&A để mở rộng tầm quốc tế thương hiệu của mình đó là cách làm sẽ đóng góp rất lớn trong vấn đề xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt và thương hiệu Việt.

Tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục trên thế giới, sự mất giá của nhiều đồng tiền so với USD đã khiến các nhà đầu tư có phần thận trọng hơn, kéo thị trường mua sáp nhập toàn cầu giảm 18% về thương vụ và 27% về giá trị và so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tại Việt Nam, kết quả mua bán sáp nhập vẫn diễn ra tích cực, các doanh nghiệp đang có nhiều điều kiện và lựa chọn hơn trong việc mở rộng các thương vụ mua bán sáp nhập tại Việt Nam.

Theo dự báo, trong những tháng cuối năm 2023, thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục nóng hơn bao giờ hết.

Thông tin liên hệ:

Công ty Cổ phần Đầu tư Stars Capital

Văn phòng giao dịch: Toà VinaConex2, Kim Văn, Kim Lũ, Hoàng Mai, Hà Nội