Stars Capital – Ngày 16/11/2023, Chứng khoán VNDirect (VND) đã cập nhật kết quả kinh doanh, đồng thời phân tích, nhận định, dự đoán giá cổ phiếu Vinamilk và khuyến nghị về cổ phiếu VNM (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam).
Cổ phiếu cần quan tâm: Vinamilk sẽ nhận “mưa cổ tức của Mộc Châu Milk (MCM)
Điểm danh những ông vua tiền mặt sàn chứng khoán
Stars Capital cung cấp dịch vụ M&A doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk; VNM) được thành lập từ năm 1976, với gần 50 năm kinh nghiệm, VNM đã tạo dựng được nhận diện thương hiệu vững mạnh với danh mục sản phẩm bao gồm sữa nước, sữa bột, sữa chua, sữa đặc và các loại đồ uống khác.
Đội ngũ ban lãnh đạo của VNM giàu kinh nghiệm. Trung bình ban lãnh đạo của VNM có 22 năm làm việc tại công ty, trong đó, bà Mai Kiều Liên – Tổng giảm đốc công ty đã có 48 năm kinh nghiệm làm việc tại công ty.
VNM sở hữu chuỗi giá trị bền vững từ nguồn nguyên liệu (với 15 trang trại và 140,000 con bò) tới khâu sản xuất và phân phối. So với các doanh nghiệp cùng ngành, công ty có năng lực sản xuất lớn nhất (16 nhà máy) và hệ thống phân phối rộng nhất (200,000 điểm bán hàng và 200 nhà phân phối độc quyền).
Vinamilk là công ty lớn nhất ngành sữa Việt Nam với khoảng 50% thị phần. Công ty sở hữu danh mục sản phẩm phong phú với 250 dòng sản phẩm đáp ứng hầu hết nhu câù về sữa ở mọi lứa tuổi.
Trong 2023, doanh thu từ thị trường nội địa đóng góp 83,7% vào tổng doanh thu của VNM. Tính theo các danh mục ngành hàng, sữa nước đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu, theo sau là sữa chua và sữa bột.
Điểm nhấn tài chính
Lợi nhuận (LN) ròng của VNM tăng 8,4% svck trong Q3/23 – quý thứ hai liên tiếp ghi nhận LN tăng nhờ biên LN gộp cải thiện 2,4 điểm % svck và thu nhập tài chính tăng 90,8% svck.
VND kỳ vọng biên LN gộp tiếp tục cải thiện 3,2 điểm % svck trong Q4/23 và đi ngang so với Q3/23. Trong 2024, kỳ vọng biên LN gộp tiếp tục cải thiện 1,1 điểm % svck nhờ chi phí đầu vào thấp hơn. Đồng thời, kỳ vọng LN ròng tăng 28,8% svck trong Q4/23 chủ yếu do mức nền thấp trong Q4/22 và tăng 8,8% svck trong năm 2024.
Luận điểm đầu tư
VND cho rằng, VNM đã có chiến lược tái định vị sẽ dần mang lại hiệu quả. VNM đang có sự thay đổi theo chiến dịch tái định vị thương hiệu cũng như trong chuyển đổi số, tuyển dụng nhân sự, quy trình quản trị nhằm nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng. Chiến lược mới này sẽ giúp công ty giành lại được thị phần và tạo đà tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới.
Điểm nhấn khá quan trọng của VNM là lợi nhuận ròng quay trở lại đà tăng trưởng nhờ chi phí đầu vào giảm. Biên LN gộp của VNM đang trên đà phục hồi trở lại mức 2021 sau 5 quý liên tiếp bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào cao. VND dự phóng biên LN gộp cải thiện 3,2 điểm % svck trong Q4/23 cùng với mức nền thấp trong Q4/22 sẽ thúc đẩy LN ròng tăng 28,8% svck trong Q4/23. VND kỳ vọng giá bột sữa nguyên kem sẽ tiếp tục hỗ trợ biên LN gộp của VMN và giao dịch ở mức thấp hơn (-1,0% svck) trong năm 2024.
Cổ phiếu Vinamilk (VNM) đang trên đà hồi phục
Cổ phiếu VNM luôn được nhà đầu tư quan tâm vì tỷ suất cổ tức ổn định. VNM luôn duy trì tỷ trọng tiền mặt và khoản đầu tư ngắn hạn ổn định ở mức 40% – 43% trên tổng tài sản, cho phép công ty đưa ra mức tỷ suất cổ tức ổn định 4%-5% hàng năm. Với thị phần khoảng 50% (thống lĩnh ngành sữa Việt Nam), VNM là cổ phiếu phòng thủ hấp dẫn trong trường hợp thị trường điều chỉnh mạnh.
Hiện nay, cổ phiếu VNM đang có định giá hấp dẫn so với các công ty tiêu dùng khác của Việt Nam. Trong số các công ty tiêu cùng, VNM có mức P/E hấp dẫn là 17,3 lần, thấp hơn mức P/E trung bình của ngành là 25,4 lần, tính đến ngày 13/11/2023.
Một số điểm đáng lưu ý trong kết quả kinh doanh Q3/23
Doanh thu nội địa của VNM giảm do sản lượng bán ước tính giảm khoảng 4% svck do nhu cầu yếu và không còn yếu tố hỗ trợ về giá trong Q3/23 so với Q3/22
Doanh thu xuất khẩu tăng 5,0% svck nhờ sự ổn định tại thị trường Trung Đông và Đông Nam Á. Theo ban lãnh đạo, cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông không gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của VNM do thị trường xuất khẩu của công ty nằm xa khu vực xảy ra xung đột.
Doanh thu từ các công ty nước ngoài tăng nhẹ 1,9% svck chủ yếu nhờ doanh thu Angkormilk tăng 10% svck. Thêm vào đó, VNM đã ký thỏa thuận hợp tác hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nhập khẩu – phân phối sữa để đưa sản phẩm sữa vào thị trường tỷ dân này.
Trong Q3/23, biên LN gộp cải thiện 2,4 điểm % theo đà giảm giá bột sữa nguyên kem. Giá bột sữa đã giảm 9,5% sv quý trước và 22,1% svck trong Q3/23 chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu yếu tại Trung Quốc.
Chi phí bán hàng tăng 3,7% svck nhằm tăng cường các hoạt động trưng bày, khuyến mãi qua đó khôi phục 2 điểm % thị phần so với tháng 1.
Đáng chú ý, thu nhập tài chính tăng mạnh 90,8% svck nhờ lãi tiền gửi tăng 46,7% yoy trong môi trường lãi suất cao.
Những điểm chính trong buổi họp với Chuyên viên phân tích và Nhà đầu tư
Thay đổi tên cửa hàng “Giấc mơ sữa Việt”: Tính đến T9/2023, VNM đang vận hành 657 cửa hàng “Giấc mơ sữa Việt” (tăng 11 CH so với đầu năm) và 67 cửa hàng sữa Mộc Châu (tăng 14 CH so với đầu năm).
Công ty có kế hoạch thay đổi tên thương hiệu “Giấc mơ sữa Việt” sang “Vinamilk” nằm trong chiến lược tái định vị thương hiệu (theo quan điểm của chúng tôi).
Nhu cầu tiêu thụ chưa hồi phục: Ban lãnh đạo dự phóng nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2024 tuy nhiên sẽ dần hồi phục về cuối năm. Công ty vẫn duy trì các hoạt động khuyến mại nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và tập trung vào các sản phẩm sữa hữu cơ phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới hiện nay.
Giá bột sữa nguyên kem: VNM đã chốt hợp đồng giá bột sữa nguyên kem tới Q1/24. Ban lãnh đạo cho rằng giá bột sữa ghi nhận sự cải thiện trong T10/2023 do Trung Quốc có tín hiệu nhập khẩu trở lại. Tuy nhiên, công ty kỳ vọng giá bột sữa nguyên kem sẽ được giao dịch ở mức trung bình 2.500 USD/tấn, mức tương đương năm 2020 do nhu cầu nhập khẩu tại Trung Quốc chưa phục hồi đáng kể.
Tiến độ các trang trại: Trang trại tại Lào hiện tại đang có 2.000 con với năng suất cho sữa cao hơn các trang trại tại Việt Nam. Công ty dự kiến nhập khẩu thêm 6.000 con bò, tăng tổng số lượng trong đàn bò lên 8.000 con tại Lào.
Triển vọng 2024: Lợi nhuận ròng quay lại đà tăng trưởng
Chiến lược tái định vị sẽ dần mang lại hiệu quả
Từ T9/2023 VNM đã ra mắt dòng sản phẩm sữa nước với bao bì mới, gây ấn tượng với người tiêu dùng bởi sự trẻ trung và năng động. Thêm vào đó, công ty cũng tổ chức nhiều hoạt động marketing như dùng thử sản phẩm, tặng quà tại các điểm bán hàng để tương tác trực tiếp và nâng cao nhận diện thương hiệu mới với người tiêu dùng. Nhờ đó, thị phần của công ty cải thiện 2 điểm % so với đầu năm trong T9/2023. VND kỳ vọng chiến lược tái định vị sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt hơn trong Q4/23 với doanh thu nội địa dự phóng tăng 8,7% svck.
Chiến lược tái định vị của VNM sẽ dần mang lại hiệu quả
Trong 2024, VND kỳ vọng sản lượng bán nội địa tăng 2,0% svck nhờ tăng cường các chiến dịch marketing gần gũi với văn hóa Việt Nam và xu hướng tiêu dùng của giới trẻ và ra mắt các dòng sản phẩm với bao bì mới. Sản lượng bán tăng sau ba năm giảm liên tiếp là tín hiệu tích cực cho thấy chiến lược tái định vị đang phát huy hiệu quả giúp công ty kiếm lại thị phần trên thị trường sữa nội địa. Trong khi đó, giá bán trung bình dự phóng tăng nhẹ 1,0% svck.
Do đó, VND kỳ vọng doanh thu nội địa tăng 3,0% svck trong 2024. Kỳ vọng VNM ghi nhận doanh thu xuất khẩu tăng 5,1%/5,0% svck trong 2023-24 nhờ thị trường Trung Đông và Đông Nam Á tăng trưởng ổn định.
Trong T9/2023 VNM đã ký thỏa thuận hợp tác hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nhập khẩu – phân phối sữa để đưa sản phẩm sữa vào thị trường tiềm năng này. Thêm vào đó, dự phóng doanh thu các công ty con tại nước ngoài tăng 11,3%/7,6% svck trong 2023-24 chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu.
Biên lợi nhuận gộp cải thiện nhờ chi phí đầu vào thấp hơn
VND kỳ vọng giá bột sữa nguyên kem sẽ tiếp tục giao dịch ở mức thấp (-1,0% svck) trong 2024 so với mức trung bình trong 2023. Giá bột sữa nguyên kem đã giảm 22,1% svck trong Q3/23 chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu yếu tại Trung Quốc.
Theo Rabobank, sản lượng sữa toàn cầu từ 07 nước sản xuất lớn nhất dự kiến tăng nhẹ 0,3%/0,4% svck trong 2023-24, thấp hơn mức tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2010-20 là 1,6%. Thêm vào đó, nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc dự kiến chưa bù đắp được mức sản lượng tăng đáng kể trong nước. Do đó, tăng trưởng sản lượng sữa toàn cầu có thể chậm lại trong Q4/23 và năm 2024 nhưng mức cung – cầu vẫn chưa đạt được sự cân bằng trong ngắn hạn.
Ban lãnh đạo cho biết công ty đã chốt hợp đồng giá bột sữa nguyên kem tới Q1/24. Do vậy VND kỳ vọng VNM ghi nhận biên lợi nhuận gộp cải thiện 3,2 điểm % svck trong Q4/23 và duy trì mức tương đương với Q3/23. Trong 2024, kỳ vọng biên LN gộp cải thiện 1,1 điểm % svck lên mức 42,0% nhờ chi phí nguyên liệu đầu vào thấp hơn.
Lợi nhuận ròng quay lại đà tăng trưởng
Trong Q4/23, VND kỳ vọng VNM ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 28,8% svck lên 2.407 tỷ đồng nhờ 1) biên LN gộp cải thiện 3,2 điểm % svck và 2) mức nền thấp trong Q4/22. Trong 2023, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận ròng tăng 5,1% svck lên 8.955 tỷ đồng.
Trong năm 2024 chúng tôi dự phóng LN ròng tăng 8,8% svck nhờ: Tổng doanh thu tăng 3,6% svck dựa trên, doanh thu nội địa tăng 3,0% svck và doanh thu từ nước ngoài tăng 6,3% svck; Biên LN gộp cải thiện 1,1 điểm % svck nhờ chi phí đầu vào thấp; Tỷ lệ % chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu không đổi so với năm 2023 do kỳ vọng công ty tiếp tục thực hành chính sách quản lý chi phí chặt chẽ để bù đắp cho chi phí marketing tăng cao trong giai đoạn thực hiện chiến lược tái định vị.
VND duy trì khuyến nghị Khả quan với VNM
Trong ngắn hạn, kỳ vọng VNM ghi nhận biên LN gộp tăng 1,1 điểm % svck trong 2024, kéo theo lợi nhuận ròng tăng 8,8% svck. Biên LN gộp của VNM đang trên đà phục hồi trở lại mức 2021 sau 5 quý liên tiếp bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào cao.
Trong dài hạn, VNM đang có sự thay đổi trong chiến dịch tái định vị thương hiệu cũng như đội ngũ nhân sự mới nhằm giành lại thị phần và tạo đà tăng trưởng doanh thu.
VNM luôn duy trì chính sách cổ tức ổn định với tỷ suất cổ tức 4-5% hàng năm.
Với thị phần 50% – thống lĩnh ngành sữa Việt Nam và hoạt động kinh doanh cốt lõi ở các mặt hàng thiết yếu, VNM là cổ phiếu phòng thủ hấp dẫn trong trường hợp thị trường điều chỉnh mạnh
Định giá hấp dẫn so với các công ty tiêu dùng khác của Việt Nam. Trong số các công ty tiêu cùng, VNM có mức P/E hấp dẫn là 17,3 lần, thấp hơn mức P/E trung bình của ngành là 25,4 lần, tính đến ngày 13/11/2023.
Tiềm năng tăng giá bao gồm nhu cầu tiêu thụ nội địa cao hơn dự kiến và nhu cầu cao hơn dự kiến ở các nước khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, VNM cũng có thể gặp một số rủi ro tác động đến giá cổ phiếu như: Giá bột sữa cao hơn dự kiến và nhu cầu nội địa yếu hơn so với kỳ vọng.
* Những phân tích, nhận định, khuyến nghị trên chỉ có tính chất tham khảo, nhà đầu tư được khuyến cáo tự chịu trách nhiệm trước quyết định mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Trước những luận điểm phân tích trên, VND đã đưa ra giá mục tiêu dựa trên tỷ trọng tương đương của thay đổi trong định giá DCF 10 năm chịu tác động bởi điều chỉnh dự phóng EPS giai đoạn 2023-24 và việc hạ giả định WACC khi giảm lãi suất phi rủi ro từ 3% xuống 2,7% (dựa trên lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại ngày 30/9) và giảm phần bù rủi ro thị trường từ 10% xuống 9,6%.
Áp dung P/E mục tiêu là 18,7 lần (mức P/E trung bình của VNM trong vòng 3 năm gần nhất) trên EPS năm 2024.
Do đó, VND đã đưa ra khuyến nghị khả quan về khả năng sinh lời khi nắm giữ cổ phiếu VNM từ 12 tháng có thể đạt 15% trở lên.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao giao dịch ngày 17/11, giá cổ phiếu VNM hôm nay là 70.000 đồng/cổ phiếu.