Stars Capital – Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC làm ăn thua lỗ, phải cắt giảm nhân sự, cổ phiếu FMC “lao dốc”.
Sản lượng xuất khẩu thép của Tập đoàn Hòa Phát (cổ phiếu HPG) tăng 23%
Tôn Đông Á sắp chi hàng trăm tỷ cổ tức, cổ phiếu GDA có gì kỳ vọng?
Lỗ ròng hàng trăm tỷ
Trong giai đoạn đầu năm 2023, khi giá thép thế giới và trong nước hồi phục trở lại, SMC đã tự tin lên kế hoạch kinh doanh có lãi. SMC dự kiến doanh thu đạt 20.350 tỷ đồng, giảm 12,2% so với thực hiện trong năm 2022; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 150 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 651,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của SMC lại không được như kỳ vọng. Kết thúc quý 3/2023, SMC ghi nhận 3.141 tỷ doanh thu thuần, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi khấu trừ các chi phí, SMC lỗ ròng 164 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 188 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, SMC ghi nhận 10.574 tỷ doanh thu thuần, giảm 44% so với 9 tháng năm 2022; lỗ ròng 549 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 58 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Việc thua lỗ liên tục khiến khoản lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 30/9 âm 206 tỷ đồng.
Trước thực trạng trên, SMC giải trình rằng, năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nói chung và hoạt động kinh doanh thép nói riêng. Theo dữ liệu của Trading Economics, sau khi có nhịp hồi phục đầu năm lên 4.362 nhân dân tệ/tấn (ngày 14/3/2023), giá thép đã quay đầu giảm trở lại và tính tới ngày 16/11/2023, giá thép chỉ còn 3.929 nhân dân tệ/tấn, thấp hơn 10% so với đỉnh ngày 14/3 và nếu nhìn xa hơn, tính từ ngày 8/10/2021 đến ngày 16/11/2023, giá thép thế giới giảm 33,7%, từ đỉnh 5.925 nhân dân tệ/tấn, xuống còn 3.929 nhân dân tệ/tấn.
Trong khi đó, các công ty bất động sản trong nước gặp khó về thanh khoản đã tác động đến giá thép và nhu cầu thép xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp sản xuất và thương mại trong lĩnh vực thép. Tổng quan, nhu cầu sử dụng thép còn yếu và giá thép chưa thể tăng trở lại là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng khó khăn của công ty.
Đầu tư Thương mại SMC đang gặp khó khăn
Khó khăn chồng chất khó khăn
Sau kiểm toán bán niên năm 2023, tính tới ngày 30/6/2023, SMC ghi nhận tổng nợ ngắn hạn là 5.685 tỷ đồng, tổng tài sản ngắn hạn là 5.379,2 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn hơn 300 tỷ đồng.
Việc nợ vay ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn có thể gây quan ngại về khả năng trả các khoản công nợ đến hạn thanh toán.
Lý giải lo ngại mất cân đối kỳ hạn khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn (dưới 1 năm) tài trợ cho tài sản dài hạn (trên 1 năm), lãnh đạo Công ty SMC cho biết, các khoản phải trả cho người bán ngắn hạn tại thời điểm ngày 30/6/2023 là 2.685,3 tỷ đồng; Công ty tin là sẽ nhận được sự hỗ trợ của các nhà cung cấp và cá nhân bằng việc gia hạn thời gian trả nợ.
Bên cạnh đó, SMC sẽ tăng cường dòng tiền thông qua việc đôn đốc, đề xuất những giải pháp tích cực để thu hồi các khoản nợ còn tồn đọng (quá hạn, tồn đọng), giảm/trả nợ các khoản vay/nợ nhà cung cấp…
Ngoài ra, đối với khách hàng truyền thống, thường xuyên, có khả năng thanh toán tốt, nhưng đang tạm thời chưa xoay vòng vốn kịp trong thời gian ngắn, SMC tạo điều kiện về thời gian thanh toán công nợ, cân nhắc việc cung cấp tiếp hàng để khách nợ có thể có cơ hội xoay vòng vốn và tạo ra doanh thu để có thể trả nợ tốt hơn. Sau đó, trao đổi về lộ trình thanh toán cụ thể và đề nghị khách nợ thanh toán đúng hạn theo như cam kết.
Lãnh đạo Công ty SMC tin rằng, với chủ trương như vậy, Công ty sẽ tiếp tục kinh doanh bình thường trong những tháng tới.
Thực tế, tại thời điểm ngày 30/9, SMC còn sử dụng 428,7 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn, tạo sự mất cân đối nguồn vốn. Thêm nữa, việc các chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản đã kéo theo khó khăn cho SMC. Trong đó, tại thời điểm ngày 30/9/2023, SMC công bố nợ xấu từ các đối tác lên tới 1.304,6 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 272,8 tỷ đồng và còn lại 1.031,8 tỷ đồng chưa trích lập.
Có thể thấy, trong ngắn hạn, bên cạnh kinh doanh thua lỗ, SMC cũng đối mặt với nhiều vấn đề về công nợ, mất cân đối cơ cấu nguồn vốn, trong bối cảnh nhu cầu về thép trên thị trường chưa thể phục hồi.
Trong ngày ngày 18/10/2023, SMC đã thông qua Nghị quyết về duy trì hoạt động của Công ty. Theo đó, Hội đồng Quản trị SMC thông qua chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhân sự trong toàn bộ hệ thống, tiết giảm tất cả các chi phí phát sinh. Công ty giao Tổng giám đốc chỉ đạo các phòng, ban liên quan, các công ty thành viên về việc triển khai kế hoạch thu hẹp sản xuất – kinh doanh và cắt giảm nhân sự.
Để cụ thể việc tái cấu trúc, SMC thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, vật dụng, kiến trúc trên đất tại tại SMC Bình Dương – Khu công nghiệp Đồng An (huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) với diện tích 6.197 m2, giá trị bán dự kiến 49 tỷ đồng.
Thực tế, trong quá trình sản xuất – kinh doanh, việc mở rộng và thu hẹp kinh doanh là chuyện bình thường, phù hợp với chu kỳ mở rộng và thu hẹp của ngành. Tuy nhiên, giải pháp sa thải nhân viên và bán tài sản thường là lựa chọn cuối cùng của doanh nghiệp sau khi không thể cầm cự được.
Trên thị trường chứng khoán, mặc dù tạo ra đà tăng lên tới 50% trong giai đoạn từ tháng 5 tới tháng 7, tuy nhiên cổ phiếu SMC hiện tại đã quay trở lại vạch xuất phát.
Trong phiên giao dịch ngày 24/11, thị giá cổ phiếu SMC đang có giá tham chiếu là 10.100 đồng, giảm khoảng 30% so với vùng đỉnh gần nhất và đang có xu hướng về lại vùng hỗ trợ trung hạn, tương ứng quanh vùng 9.200 đồng.